Lượt xem: 232

Sóc Trăng sẵn sàng cho trái sầu riêng xuất sang Trung Quốc

Sóc Trăng là tỉnh chuyên về sản xuất nông nghiệp, ngoài thế mạnh cây lúa, con tôm nước lợ, thì tỉnh xác định cây ăn trái là kinh tế mũi nhọn thứ ba của tỉnh. Chính vì vậy, trong những năm gần đây tỉnh đầu tư các chương trình, dự án nhằm phát triển diện tích cây ăn trái lớn mạnh và tập trung phần lớn vào các loại cây ăn trái đặc sản như: Bưởi da xanh, nhãn, xoài… trong đó trái vú sữa tím đã xuất khẩu sang Mỹ hơn 4 năm qua và gần đây là trái nhãn cũng đã xuất khẩu sang một số nước, đem lại nguồn thu nhập tốt cho các nhà vườn. Bên cạnh trái vú sữa, trái nhãn xuất khẩu, Sóc Trăng còn có trái sầu riêng được đánh giá đạt chất lượng tốt, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu, sang thị trường Trung Quốc.

 


Nhà vườn cần tuân thủ hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, về quản lý vùng trồng sau khi được cấp mã số vùng trồng trên cây sầu riêng. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Nhằm xuất khẩu an toàn trái sầu riêng tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc và trên cơ sở phân tích nguy cơ dịch hại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thống nhất trong Nghị định thư là: Trái sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc, cũng như các yêu cầu nêu trong Nghị định thư và không nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm. Tất cả các vùng trồng, cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

    Dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, sầu riêng của Việt Nam, sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.

    Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cán bộ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủy quyền sẽ giám sát quy trình chế biến và đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong 2 năm đầu tiên, kể từ ngày Nghị định thư có hiệu lực, cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2% và trong thời gian này, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật, thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%. Trong trường hợp phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống, lá hoặc đất thì toàn bộ lô hàng không được xuất khẩu sang Trung Quốc…

    Thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh gần 1.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Kế Sách, trong đó diện tích sầu riêng cho trái khoảng 500 ha, ước sản lượng 10.000 tấn/năm. Với lợi thế của tỉnh về xuất khẩu trái vú sữa, trái nhãn vào các thị trường khó tính và thông qua Nghị định thư về xuất khẩu trái sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, tỉnh Sóc Trăng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để trái sầu riêng của tỉnh xuất sang Trung Quốc trong thời gian tới.

      Hiện tại các thủ tục và hồ sơ có liên quan về xin cấp 3 mã số vùng trồng cho trái sầu riêng của tỉnh Sóc Trăng, với diện tích 37,8 ha, sản lượng hơn 700 tấn tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi 1, xã Xuân Hòa (Kế Sách) đã hoàn thiện gửi đến Cục Bảo vệ thực vật chuyển đến phía Trung Quốc thẩm định, để phối hợp cấp mã số vùng trồng trái sầu riêng cho tỉnh. Sau khi có được mã số vùng trồng, trái sầu riêng của tỉnh sẽ xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, góp phần nâng cao giá trị trái sầu riêng, đặc biệt là giới thiệu đến người tiêu dùng ngoài nước về các loại trái cây ngon do tỉnh Sóc Trăng canh tác.


Trái sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập nhà vườn. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cho biết: “Diện tích sầu riêng của tỉnh Sóc Trăng khoảng 1.000 ha, đây vẫn là con số còn khiêm tốn, vì thế việc cấp mã số vùng trồng cũng khiêm tốn. Do đó, để phát triển được diện tích sầu riêng đi xuất khẩu vào các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc chính ngạch. Trước mắt, các địa phương trồng sầu riêng phải tổ chức lại hệ thống sản xuất, thông qua tuyên truyền, vận động người dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, để cùng nhau sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn doanh nghiệp và đối tác nước ngoài cần, bởi doanh nghiệp hoặc đối tác nước ngoài không thể thiết lập vùng trồng cho từng hộ cá thể. Sau khi thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã thì thiết lập vùng trồng, người dân phải tuân thủ hướng dẫn của cán bộ chuyên môn về quản lý vùng trồng thật chặt chẽ, không lơ là, trọng tâm là quản lý dư lượng, sinh vật gây hại, bởi dư lượng và sinh vật gây hại là vấn đề quan trọng đối với nước nhập khẩu sản phẩm; bên cạnh đó, người dân phải ghi chép sổ nhật ký đầy đủ. Để thành lập mã số vùng trồng cho cây sầu riêng, người dân cố gắng chuyên canh, không trồng xen những cây khác trong vườn; canh tác sầu riêng tuân thủ theo quy trình hữu cơ. Với quy trình sản xuất hữu cơ, sẽ góp phần đảm bảo chất lượng trái cây tốt hơn, cho thị trường xuất khẩu”.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 8333
  • Trong tuần: 79,040
  • Tất cả: 11,802,360